Nghệ thuật tương phản thể hiện tư duy thẩm mĩ của Phạm Tiến Duật, đó đồng thời là những điểm nhấn trong thế giới nghệ thuật của anh.
Thực ra, tương phản là một thủ pháp nghệ thuật không có gì mới và đã có nhiều nhà thơ vận dụng rất thành công, đặc biệt là Chế Lan Viên. Trong những bài thơ viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chế Lan Viên thường tương phản ở cấp độ cấu tứ tạo nên giọng triết lý uyên bác - trí tuệ, đó là sự vô nhân đạo của kẻ thù đối lập với cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta.
Tương phản là thủ pháp nghệ thuật tạo nên bản sắc của thơ Phạm Tiến Duật trong dàn thơ trẻ chống Mỹ. Thơ Phạm Tiến Duật, sự tương phản được sử dụng có hệ thống từ nhan đề tác phẩm, đến các hình ảnh thơ và cấu tứ của mạch thơ. Phạm Tiến Duật cùng với Chế Lan Viên là hai nhà thơ sử dụng nghệ thuật tương phản giàu tư duy nghệ thuật nhất trong thơ Việt Nam hiện đại, tất nhiên Chế Lan Viên ở một vị trí khác.
Khảo sát nhan đề các tập thơ và các bài thơ, có thể thấy cấu trúc tương phản xuất hiện nhất quán thể hiện một nét phong cách nghệ thuật của nhà thơ tài năng này: Vầng trăng và những quầng lửa, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, Đồng chí lái chính, đồng chí lái phụ và tôi, Chia ra, nhập lại, Một giờ và mười phút, Áo của hôm nào, người của hôm nay…
Tương phản trong cấu trúc hình ảnh thơ của Phạm Tiến Duật vô cùng phong phú tạo nên những bức tranh thơ nhiều màu nhiều vẻ, lấp lánh những sắc thái khác nhau của sự sống sinh động:
Anh lên xe trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi, nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư
(Trường Sơn đông, Trường Sơn tây)
Ngón tay nóng cầm viên thuốc mát
(Cô bộ đội ấy đã đi rồi)
Dẫu đường dài chỉ toàn nước và lửa
(Trời xanh và gió)
Tôi nghe chị ngâm thơ có ngọn lửa nhen
Có nắng ấm với hồn người chân thật
Tại sao anh nghe lại hóa thành nước mắt
Để vận vào đời chị đến hôm nay
(Tiếng bom và tiếng chuông chùa)
Giữa một vùng đất bụi khô rang
Em bỗng đến như dòng sông đầy nước
(Nghe em hát trong rừng)
Và cả tương phản trong cấu tứ của mạch thơ khiến thơ anh hồn nhiên, cảm xúc mà vẫn giàu tính triết lý suy tưởng :
Không thể tin là em đã qua
Nơi túi bom bay mù bụi đỏ
…
Không thể tin là em đã sang
Nơi đất lạ trời trong leo lẻo
…
Em là cô bộ đội lái xe
Giặc nhằm bắn bốn bề lửa cháy
Cái buồng lái là buồng con gái
Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang
(Niềm tin có thật)
Khi em ngồi nhớ anh ngày chủ nhật thẳm sâu
Anh đang lội bùn trong rừng lá mục
Lúc em ngồi với anh là lúc
Anh đứng đỉnh đèo gió thổi mênh mang
Giấy bạc thuốc lá để lại đầy phòng
Khi em cắt làm hoa cho học sinh múa
Là khi anh đi những nơi bom nổ
Nào sắt nào nhôm phơi bạc vùng rừng
(Một giờ và mười phút)
Có thể thấy, ý thức coi trọng việc khai thác các tương quan đối lập của tác giả tạo nên một cơ chế tư duy bao trùm. Thông thường, khi nhằm miêu tả, phản ánh một hiện tượng, một cảm xúc nào đó thì nhà thơ cứ đem chính cái đối tượng đó ra để miêu tả, bộc lộ cảm xúc và suy ngẫm. Phạm Tiến Duật lại tìm kiếm, khám phá một hiện tượng, cảm xúc khác có tương quan đối lập với nó để miêu tả, biến nó thành một đối tượng thẩm mĩ có giá trị nhằm tăng cường hiệu quả cho việc phản ánh đối tượng chính của tác phẩm. Tính chất độc đáo của phép đối lập của thơ Phạm Tiến Duật là anh thường khai thác các tương quan đối lập trong mối quan hệ thống nhất biện chứng, chuyển hóa lẫn nhau. Khai thác mặt đối lập chính là để nhà thơ có thể đi tìm cái bề sâu, bề xa của sự vật, hiện tượng, nâng cao tầm suy nghĩ cho thơ.
Thủ pháp tương phản khiến cho hình ảnh và ý tưởng thơ biến hóa và bất ngờ tạo sức hấp dẫn của hình thức nghệ thuật thơ. Đồng thời nghệ thuật tương phản thể hiện cái nhìn nghệ thuật đầy trải nghiệm của Phạm Tiến Duật. Cuộc sống chiến tranh với nhiều trạng thái đối cực thử thách con người hiện lên rõ nét. Đặc biệt, nghệ thuật tương phản trong hệ thống thi pháp của Phạm Tiến Duật tô đậm sức mạnh tâm hồn, ý chí và khát vọng sống mãnh liệt của con người Việt Nam. Từ trong chiến tranh cuộc sống vẫn tiếp diễn, tiếng hát vẫn cất lên và tình yêu vẫn thiết tha, cháy bỏng. Cuộc sống gian nan, nhưng nó cũng thật kỳ diệu. “ Dẫu có buồn vì thế giới này khó hiểu, thế giới này vẫn đẹp”( Ivan Bunhin).
( Lê Nga - Tổ Văn)